Chỉ Số ROA, ROE Trong Chứng Khoán Là Gì?

 Chỉ số roa, roe trong chứng khoán là gì?

Khi đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp, các nhà phân tích thường xem xét hai chỉ tiêu là tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA – Return on Total Asset) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE – Return on Equity)

 

ROA là gì ? Cách tính ROA

ROA (Return on Assets) là tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản hay bình quân 1 đồng tài sản sẽ tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận.


Công thức tính ROA:

  • ROA = LNST / Tổng tài sản.

  • ROA thể hiện mức độ hiệu quả khi sử dụng tài sản doanh nghiệp, ROA càng cao thì mức độ sử dụng tài sản của Doanh nghiệp càng tốt.

  • ROA đối với các công ty cổ phần có sự khác biệt rất lớn và phụ thuộc nhiều vào ngành kinh doanh. Đó là lý do nên so sánh ROA giữa các công ty tương đồng nhau và khi đánh giá ROA mỗi công ty không nên chỉ xét một năm riêng lẻ mà nên là nhiều năm, ít nhất là 3 năm.


  • Các nhà đầu tư cũng nên chú ý tới tỷ lệ lãi suất mà công ty phải trả cho các khoản vay nợ. Nếu một công ty không kiếm được nhiều hơn số tiền chi cho các hoạt động đầu tư, đó không phải là một dấu hiệu tốt. Ngược lại nếu ROA mà tốt hơn chi phí vay thì có nghĩa là công ty đang bỏ túi một món hời.


  • Ví dụ nếu công ty A có thu nhập ròng là 1 triệu USD, tổng tài sản là 5 triệu USD, khi đó ROA là 20%. Tuy nhiên nếu công ty B cũng có khoản thu nhập tương tự trên tổng tài sản là 10 triệu USD, ROA của B sẽ là 10%. Như vậy công ty A hiệu quả hơn trong việc biến đầu tư thành lợi nhuận.


ROE là gì? Cách tính ROE

ROE (Return on common equity) là tỷ suất sinh lời trên vốn sở hữu.

ROE là tỷ số quan trọng nhất đối với các cổ đông, tỷ số này đo lường khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn của cổ đông thường.

 

Công thức:

  • ROE = LNST / Vốn chủ sở hữu

 

Khi đánh giá ROE cần chú ý:

  • ROE < Lãi vay ngân hàng: vậy nếu công ty vay ngân hàng thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả lãi vay ngân hàng mà thôi.

 

  • ROE > Lãi vay ngân hàng: thì chúng ta phải đánh giá xem công ty đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thương trường chưa, nhằm xem xét công ty này có khả năng tăng ROE trong tương lai hay không.

 

  • Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, có nghĩa là công ty đã cân đối một cách hài hòa giữa vốn cổ đông với vốn đi vay để khai thác lợi thế cạnh tranh của mình trong quá khứ huy động vốn, mở rộng quy mô. Cho nên hệ số ROE càng cao thì các cổ phiếu càng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.


Ngoài ra, ROE cao duy trì trong nhiều năm cũng thể hiện lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh cao, hay độc quyền thường có chỉ số ROE rất cao.

Khi doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, làm tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS), tăng ROE, nhưng lại làm giảm đi giá trị sổ sách (Book value) cũng giảm xuống do công ty đã mất một phần tiền để mua cổ phiếu.

Như vậy, dù lợi nhuận doanh nghiệp không đổi, nhưng điều này vô tình bóp méo các chỉ số, “đánh lừa” những nhà đầu tư hay dùng các chỉ số này để tìm cổ phiếu đang rẻ đang giao dịch dưới giá trị thực.

 

Mối quan hệ giữa ROA và ROE

Nhà đầu tư thường sẽ thấy ROE và ROA (Return an Assets) đi theo cặp với nhau.

  • Đòn bẩy tài chính = ROE / ROA = Tài sản / Vốn chủ sở hữu.

Một doanh nghiệp phát triển tốt, thường chỉ dùng đòn bẩy tài chính ở mức hợp lý, hoặc rất ít. Đòn bẩy tài chính tăng, chứng tỏ doanh nghiệp đang vay vốn bên ngoài nhiều hơn để sản xuất kinh doanh.

Chúng ta cũng nên chú ý đến ngành. Ví dụ, chỉ số ROE ngành ngân hàng thường cao, nhưng ROA thấp, vì bản chất ngành này là lấy tiền người gửi và cho vay lại hoặc đầu tư, kinh doanh từ sự chênh lệch lợi suất này. ROE cao gấp ROA 10 lần là chuyện bình thường.

 

Trong kinh doanh

  • Chỉ số ROE = Lợi nhuận biên x Vòng quay tài sản x Đòn bẩy tài chính.

Vì vậy, để tăng chỉ số ROE doanh nghiệp phải tăng ít nhất 1 trong ba chỉ số nêu trên:

  • Lợi nhuận biên = LNST / doanh thu

Để tăng lợi nhuận biên, doanh nghiệp có thể tăng khả năng cạnh tranh nhằm nâng cao doanh thu đồng thời cắt giảm chi phí đầu tư.

  • Vòng quay tài sản = doanh thu của doanh nghiệp / tổng tài sản

 

Để tăng chỉ số này, doanh nghiệp cần tạo ra nhiều doanh thu hơn trên tổng số tài sản hiện có.

 

Ví dụ:

Với không gian là một quán cà phê, buổi sáng bạn có thể bán kèm cà phê với đồ ăn sáng, buổi trưa bạn có thể bán kèm đồ ăn với đồ ăn trưa, buổi tối bạn có thể tổ chức các lớp học kèm tiếng anh hoặc kỹ năng khác.

Như vậy, cùng một tài sản là quán cà phê bạn có thể tăng doanh thu nhờ việc kết hợp bán các thứ cần thiết vào thời gian thích hợp.

Đòn bẩy tài chính = Tài sản / Vốn của chủ sở hữu

Doanh nghiệp có thể tăng chỉ số này bằng cách vay thêm vốn đầu tư. Nếu mức lãi suất vay nợ thấp hơn thu nhập trên tổng số tài sản của doanh nghiệp thì việc doanh nghiệp vay tiền để đầu tư đem lại hiệu quả.


Note:

Quý độc giả của chúng tôi khi đọc đến đoạn này chắc hẳn bạn là một người nghiêm túc muốn học hỏi, tích lũy kiến thức để tham gia quá trình đầu tư sinh lời. Chúng tôi, phần nào đánh giá cao sự nghiêm túc, tìm tòi, học hỏi của các bạn.

Bài 17 của ACESTOCK (chúng tôi) phát hành đến đây là kết thúc, cùng đón chờ những kiến thức cơ bản khác nhưng lại vô cùng hữu ích trong quá trình đầu tư của bạn mà ở Bài 18 mà chúng tôi sẽ đăng tải trong thời gian ngắn nhất.

ACESTOCK#luôn#đồng#hành#cùng#bạn.

Post a Comment

0 Comments