Làm thế nào để chọn một công ty để đầu tư?
Ý tưởng đầu tư giống như 1 chiếc la bàn định hướng, giúp bạn
nhận ra những công ty tốt, nhưng liệu một công ty tốt có đồng nghĩa với một
thương vụ đầu tư tốt?
- Nhà
đầu tư huyền thoại Benjamin Graham đã từng nói “Giá
cả là thứ bạn phải trả, giá trị là thứ mà bạn nhận được”, để có 1 thương vụ đầu
tư tốt, thứ bạn nhận được cần lớn hơn thứ bạn trả. Có nghĩa là trước khi đầu
tư, dù là đầu tư vào cổ phiếu của một công ty tốt, bạn phải xác định được một
cách tương đối giá trị của cổ phiếu đó và so sánh với giá cả của chúng trên thị
trường.
- Nếu giá cả của cổ phiếu thấp hơn nhiều so với giá trị của cổ phiếu đó, chúng ta gọi đấy là một cổ phiếu rẻ - Undervalue. Các nhà đầu tư giá trị đều tìm kiếm những cổ phiếu tốt bị định giá rẻ, họ sẽ thực hiện phi vụ đầu tư nếu giá cả của cổ phiếu thấp hơn so với giá trị một khoảng biên an toàn, thường là từ 20% trở lên.
- Giá cả của một cổ phiếu được niêm yết trên sàn chứng khoán thì rất dễ xác định, đó chính là giá khớp lệnh gần nhất của cổ phiếu đó, là một số tiền cụ thể được làm tròn đến hàng chục đồng. Ví dụ giá khớp lệnh gần nhất của cổ phiếu PNJ là 92.500 VND, có nghĩa là giá cả của cổ phiếu PNJ hiện tại đang là 92.500 VND/cổ phiếu.
- Giá trị hay giá trị nội tại thì trừu tượng hơn, rất khó có thể xác định chính xác giá trị nội tại của một công ty hay một cổ phiếu của công ty đó là bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng doanh nghiệp có lợi nhuận càng lớn hoặc càng nhiều tài sản thì giá trị nội tại càng lớn, do đó thay vì so sánh trực tiếp giữa giá với lợi nhuận trong năm gần nhất (P/E) hoặc giá trị sổ sách trên bảng cân đối kế toán (P/B).
- Đây chính là 2 chỉ tiêu định giá được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới dùng để đánh giá cả của một cổ phiếu là đắt hay rẻ. Trong các bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về hệ thống các báo cáo tài chính của doanh nghiệp, cũng như các khái niệm lợi nhuận, giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Trong khuôn khổ của bài này, chúng ta chỉ giới thiệu về cách sử dụng các hệ số đánh giá P/E và P/B.
Hệ số P/E
- Nói lên quan hệ của giá cổ phiếu hiện tại (Price) so với lợi nhuận trên cổ phiếu (Earning per share). Hệ số này càng cao thì cổ phiếu càng “đắt”. Quay lại với cổ phiếu PNJ trong 4 quý gần nhất (từ Q3/2020 đến Q2/2021) lợi nhuận của PNJ chia cho tổng số cổ phiếu đang lưu hành EPS = 6.028 VND, lấy giá cả 1 cổ phiếu chia cho con số này, ta có P/E = 16.59 lần.
- Ta sẽ dùng hệ số P/E vừa tính được để so sánh với một doanh nghiệp khác là MWG với P/E = 15.77 lần. Như vậy, từ P/E ta có thể nói trong mối quan hệ giữa giá và lợi nhuận, cổ phiếu MWG đang rẻ hơn tương đối so với cổ phiếu PNJ. Khi có P/E của các doanh nghiệp trong cùng một ngành, ta có thể tính toán được P/E trung bình của ngành đó.
- Nếu P/E của doanh nghiệp thấp hơn P/E trung bình ngành, ta có thể nói cổ phiếu của doanh nghiệp đang được định giá thấp hơn so với ngành.
Lưu ý:
Hệ số P/E chỉ phát huy tác dụng nếu lợi nhuận của doanh nghiệp không có biến động lớn qua các năm, trong trường hợp lợi nhuận tăng hoặc giảm đột biến, chúng ta cần xem xét kỹ hơn trên báo cáo tài chính để đánh giá nguyên nhân gây ra đột biến này, hiện tượng này có khả năng tiếp tục phát sinh trong tưởng lai hay không.
P/E của các công ty đang phát triển, tốc độ tăng trưởng tốt
sẽ thường cao hơn so với P/E của công ty đã phát triển ổn định, điều này thể hiện
sự kỳ vọng của thị trường vào lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai.
Hệ số P/B
- Nói lên mối quan hệ của giá trị cổ phiếu hiện tại (Price) so với giá trị sổ sách của cổ phiếu (Book value per share). Hệ số này càng cao thì cổ phiếu càng “đắt”. Đối với cổ phiếu PNJ, nếu lấy giá trị sổ sách của doanh nghiệp chia cho số cổ phiếu đang lưu hành, ta có BVPS = 25.175 VND, lấy giá cả 1 cổ phiếu chia cho con số này, ta có hệ số P/B = 3.68 lần.
- Cổ phiếu MWG có P/B = 3.20 lần, như vậy, trong mối quan hệ giữa giá và giá trị sổ sách, cổ phiếu MWG đang rẻ hơn so với cổ phiếu PNJ. Khi P/B của các doanh nghiệp trong cùng một ngành, ta có thể tính toán được P/B trung bình của ngành đó. Nếu P/B của doanh nghiệp thấp hơn P/B trung bình ngành, ta có thể nói cổ phiếu của doanh nghiệp đang được định giá thấp so với ngành.
Lưu ý:
Giá trị sổ sách của doanh nghiệp chỉ là số liệu trên báo
cáo tài chính, có thể chưa phản ánh đầy đủ tài sản của doanh nghiệp, ví dụ nếu
doanh nghiệp sở hữu bất động sản ở vị trí đẹp, có thể giá trị thị trường của mảnh
đất đó sẽ cao hơn nhiều lần so với giá trị sổ sách.
Ngoài ra giá trị sổ sách cũng chưa tính đến những giá trị
vô hình không thể định lượng được như văn hóa doanh nghiệp, lợi thế cạnh tranh,
năng lực của ban lãnh đạo…
P/B quá thấp chưa hẳn là một món hời, nhà đầu tư cần cẩn trọng
với “bẫy giá trị” – “value trap”. Trước khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư cần tìm hiểu
nguyên nhân tại sao giá cổ phiếu lại thấp như vậy, có liên quan đến kỳ vọng lợi
nhuận của doanh nghiệp trong tương lai hay không, hay tệ hơn, doanh nghiệp đang
có những khoản nợ tiềm tàng hay đang gặp vấn đề gì về pháp lý hay không.
Tóm lại trong chương này, sau khi có ý tưởng đầu tư vào cổ
phiếu một doanh nghiệp bất kỳ trên sàn chứng khoán, chúng ta sẽ tìm kiếm mối
liên hệ giữa giá cả và giá trị của cổ phiếu doanh nghiệp đó, thông qua việc sử
dụng 2 hệ số P/E và P/B. Nếu doanh nghiệp đó tốt những P/E và P/B quá cao so với
trung bình, có thể đây không phải là một thương vụ đầu tư tốt.
Note:
Quý độc giả của chúng tôi khi đọc đến đoạn này chắc hẳn bạn là một người nghiêm túc muốn học hỏi, tích lũy kiến thức để tham gia quá trình đầu tư sinh lời. Chúng tôi, phần nào đánh giá cao sự nghiêm túc, tìm tòi, học hỏi của các bạn.
Bài 48 của ACESTOCK (chúng tôi) phát hành đến đây là kết thúc, cùng đón chờ những kiến thức cơ bản khác nhưng lại vô cùng hữu ích trong quá trình đầu tư của bạn mà ở Bài 49 mà chúng tôi sẽ đăng tải trong thời gian ngắn nhất.
ACESTOCK#luôn#đồng#hành#cùng#bạn.
0 Comments