Cách đọc báo cáo kết quả kinh doanh
Nếu bảng cân đối kế toán cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh
về cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, thì Báo cáo kết quả kinh doanh lại như một
cuộn phim, cho chúng ta thấy được kết quả quá trình hoạt động kinh doanh trong
kỳ của Doanh nghiệp, chúng ta cùng tìm hiểu các cấu phần chính nhé.
Doanh thu
Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ là doanh thu đến
từ mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp trong kỳ, cũng là một
trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả kinh doanh trong kỳ, Báo
cáo kết quả kinh doanh thường so sánh đi kèm với kết quả kinh doanh của cùng kỳ
năm trước để nhà đầu tư có thể đánh giá được sự tăng trưởng trong kỳ. Trong chi
tiết thuyết minh, ta thường có thể xem được doanh thu từ các mảng kinh doanh
chính.
Giá vốn bán hàng
Giá vốn hàng bán là chi phí gốc của doanh nghiệp để cung cấp
sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, đối với các ngành sản xuất, xây dựng, thường cấu
phần giá vốn sẽ đóng tỷ trọng lớn trong doanh thu, chúng ta cũng có thể phân
tích chi tiết hơn các khoản mục trong giá vốn để đánh giá, như phân tích tỉ trọng
của khuyến mại trên tổng giá vốn hàng bán, và thay đổi của dự phòng giảm giá
qua thời gian.
Lợi nhuận gộp
Lợi nhuận gộp là kết quả thu được từ hoạt động sản xuất kinh
doanh chính của công ty, doanh thu trừ giá vốn, cũng là một trong những tiêu
chí quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh thu tài chính
Là doanh thu đến từ các hoạt động đầu tư tài chính của
doanh nghiệp, với các doanh nghiệp sản xuất, đa phần doanh thu sẽ đến từ tiền gửi,
đầu tư tài chính ngắn hạn, và một số khoản khác.
Chi phí tài chính
Thường chủ yếu sẽ bao gồm các khoản liên quan tới chi phí
lãi vay, kết hợp với thông tin về nợ vay trên Bảng cân đối kế toán có thể giúp
ta có góc nhìn sau hơn về tình hình nợ vay, lãi suất, của doanh nghiệp…
Lợi nhuận từ công ty liên kết
Phần này thể hiện lợi nhuận hoặc lỗ từ các công ty liên kết
mà doanh nghiệp không hợp nhất lên Báo cáo tài chính (sở hữu không chi phối
20-50%)
Chi phí bán hàng, và quản lý doanh nghiệp
Phần này thể hiện cấu phần của các chi phí liên quan tới hoạt
động bán hàng và chi phí vận hành của doanh nghiệp. Các khoản mục chính thường
bao gồm, chi phí nhân viên, chi phí marketing, phân bổ chi phí khấu hao và lợi
thế thương mại.
Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh
Là kết quả sau khi chúng ta đã tính toán phần lớn các doanh
thu và chi phí liên quan tới hoạt động kinh doanh thường xuyên của công ty.
Thu nhập, chi phí khác
Là các khoản không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh thường
xuyên của doanh nghiệp, và hiện cấu phần của các chi phí liên quan tới hoạt động
bán hàng và không được kì vọng sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, như từ việc
thanh lý tài sản, dự án, hay các khoản phí phạt.
Lợi nhuận trước và sau thuế
Cuối cùng sẽ là tổng lợi nhuận trước thuế mà doanh nghiệp đạt
được trong kỳ. Sau khi tính toán cho các khoản thuế sẽ là đầu mục quan trọng nhất,
lợi nhuận doanh nghiệp đạt được trong kỳ.
Lãi cơ bản trên cổ phiếu
Lợi nhuận sau khi điều chỉnh cho lợi ích của cổ đông thiểu
số sẽ tính ra được lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS).
Các hệ số về hiệu quả hoạt động
Vòng quay phải thu
- Vòng quay khoản phải thu = Doanh thu tín dụng ròng / trung bình khoản phải thu.
- Chỉ số vòng quay phải thu thể hiện tính hiệu quả của chính sách tín dụng của doanh nghiệp với các đối tác, cũng giúp ta đánh giá được chất lượng các khoản phải thu trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Với chỉ số càng lớn thể hiện lượng phải thu càng nhỏ so với quy mô hoạt động, khi đánh giá qua thời gian, nếu chỉ số sụt giảm thì có thể là doanh nghiệp đang gặp khó khăn với việc thu nợ từ khách hàng.
- Số ngày bình quân vòng quay khoản phải thu = 365 / Vòng quay phải thu.
- Sẽ giúp ta tính được số ngày trung bình mà doanh nghiệp cần để thu được tiền của khách hàng.
Vòng quay tồn kho
- Vòng quay hàng tồn kho = giá vốn hàng bán / hàng tồn kho trung bình.
- Chỉ số này giúp đánh giá hiệu quả quản trị hàng tồn kho của doanh nghiệp như thế nào. Với vòng quay hàng tồn kho tốt, thể hiện việc doanh nghiệp có khả năng bán hết hàng tồn kho nhanh chóng, giảm thiểu lượng vốn lưu động bị ứ đọng, và cũng giảm rủi ro hàng tồn kho ứ đọng bị hư hỏng, phải điều chỉnh giảm trong tương lai.
- Tuy nhiên nếu lượng hàng tồn kho quá thấp thì cũng không quá tốt, trong trường hợp nhu cầu thị trường tăng đột ngột, doanh nghiệp có thể sẽ không có đủ hàng để bán.
- Về phía nguyên liệu đầu vào, đặc biệt với những ngành sử dụng nguyên liệu hàng hóa thô như quặng sắt thép đồng, dự trữ nguyên vật liệu đầu vào quá ít, trong các trường hợp bị tắc nghẽn chuỗi cung ứng, có thể dẫn tới thiếu nguyên liệu và dây chuyền bị ngưng trệ.
- Số ngày bình quân tồn kho = 365 / vòng quay tồn kho
- Sẽ giúp ta tính được số ngày trung bình mà doanh nghiệp cần để quay hết một vòng hàng tồn kho.
Vòng quay phải trả
- Vòng quay các khoản phải trả = Doanh số mua hàng thường niên / Phải trả bình quân
- Số ngày bình quân phải trả = 365 / Vòng quay phải trả
- Chỉ số này giúp đánh giá chính sách tín dụng doanh nghiệp được hưởng từ phái nhà cung cấp, khác với hai chỉ số trên, chỉ số này càng thấp càng thể hiện doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi từ phía đối tác cung ứng và có uy tín tốt với nhà cung cấp, việc có thể “chiếm dụng” vốn lưu động này cũng làm tăng hiệu quả nguồn vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở góc nhìn tiêu cực, một doanh nghiệp có vòng quay phải trả quá thấp có thể khiến ta đặt dấu hỏi về khả năng thanh toán công nợ của họ? và liệu chính sách tín dụng từ phía nhà cung cấp có siết chặt lại trong tương lai.
Vòng quay tài sản
- Vòng quay tổng tài sản = Doanh thu thuần / Tổng tài sản trung bình
- Vòng quay tài sản cố định = Doanh thu thuần / Tài sản cố định
- Chỉ số này giúp đánh giá hiệu quả sử dụng tổng tài sản và tài sản cố định vào việc tạo ra doanh thu. Chỉ số càng cao càng thể hiện doanh thu tương đối lớn hơn so với tài sản. Chỉ số này biến động tùy ngành, với các ngành thâm dụng vốn, giá trị tài sản cố định cao, thường có chỉ số vòng quay tổng tài sản thấp hơn.
Các hệ số về khả năng sinh lời
Biên lợi nhuận
Biên lợi nhuận gộp: = Lợi nhuận gộp / Doanh thu thuần
- Chỉ số này đánh giá biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp, doanh thu trừ giá vốn, chưa tính tới các chi phí hoạt động khác. Biên gộp sẽ thay đổi theo đặc thù mỗi ngành, thường những ngành có chi phí giá vốn rất lớn, hoặc có sự cạnh tranh rất cao, sẽ có biên gộp khá mỏng, trong khi đó, các ngành / các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh tốt, vị thế cao trong ngành, có thể được hưởng mức biên gộp khá cao.
Biên EBIT (EBITDA): Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (khấu
hao) / doanh thu thuần.
- Biên Ebit hoặc Ebitda giúp chúng ta đánh giá được lợi nhuận thu được sau khi đã tính toán các chi phí cố định bao gồm vận hành, bán hàng quản lý…và trước khi tính đến lãi vay, đây cũng là mức mà các nhà đầu tư trái phiếu sẽ quan tâm, vì là mức lợi nhuận của doanh nghiệp trước khi chi trả lãi vay. Nếu mức Ebit hoặc Ebitda quá thấp, doanh nghiệp có rủi ro gặp khó khăn trong thanh toán nợ vay.
Biên lợi nhuận hoạt động: = lợi nhuận hoạt động / doanh thu
thuần.
Biên lợi nhuận ròng: = lợi nhuận ròng / doanh thu thuần
- Biên lợi nhuận hoạt động giúp ta đánh giá được tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thương xuyên của doanh nghiệp sau khi đã trừ mọi chi phí, đây là một mức quan trọng, để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tiềm năng trong tương lai.
Cuối cùng là biên lãi ròng (sau thuế và các khoản khác),
cho ta đánh giá được biên lợi nhuận ròng doanh nghiệp làm ra từ hoạt động kinh
doanh trong năm.
Tỷ suất sinh lợi
Tỷ suất sinh lợi trên tài sản = Lợi nhuận sau thuế / Tổng
tài sản trung bình (ROAA)
Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ
trung bình (ROEA)
Đây là hai chỉ số rất phổ biến, giúp chúng ta đánh giá hiệu
quả hoạt động của doanh nghiệp, tỷ lệ lợi nhuận mà doanh nghiệp tạo ra trên tổng
tài sản và trên vốn chủ. Nói cách khác với ROEA 35% ta có thể hiểu, trung bình
thêm 100 đồng vốn chủ, doanh nghiệp sinh lời được 35 đồng lợi nhuận.
Quý độc giả của chúng tôi khi đọc đến đoạn này chắc hẳn bạn là một người nghiêm túc muốn học hỏi, tích lũy kiến thức để tham gia quá trình đầu tư sinh lời. Chúng tôi, phần nào đánh giá cao sự nghiêm túc, tìm tòi, học hỏi của các bạn.
Bài 55 của ACESTOCK (chúng tôi) phát hành đến đây là kết thúc, cùng đón chờ những kiến thức cơ bản khác nhưng lại vô cùng hữu ích trong quá trình đầu tư của bạn mà ở Bài 56 mà chúng tôi sẽ đăng tải trong thời gian ngắn nhất.
ACESTOCK#luôn#đồng#hành#cùng#bạn.
0 Comments