Những Yếu Tố, Đặc Điểm Của Một Công Ty Tốt - Bạn Nên Biết

 Những Yếu Tố, Đặc Điểm Của Một Công Ty Tốt - Bạn Nên Biết

Các đặc điểm của một công ty tốt

  • Bao gồm cả các đặc điểm định lượng và định tính. Các đặc điểm định lượng chủ yếu được tính toán dựa trên báo cáo tài chính của công ty, gồm 2 nhóm đặc điểm chính là khả năng sinh lời và đòn bẩy tài chính.


  • Các đặc điểm định tính bao gồm Mô hình kinh doanh, Lợi thế cạnh tranh, Phẩm chất của ban lãnh đạo. Các đặc điểm định lượng có thể được thu nhập từ nhiều thông tin khác nhau như Báo cáo thường niên, Công bố thông từ từ công ty, Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán, Thông tin trên báo, đài, các phương tiện truyền thông.

 

Khả năng sinh lời.

Đặc điểm định lượng đầu tiên của một công ty tốt là khả năng sinh lời. Công ty cần tạo ra lợi nhuận đầy đủ và có xu hướng tăng trưởng.

Về mức độ đầy đủ, có nhiều chỉ số có thể được sử dụng để đo lường tính chất này, cụ thể như sau:

 

ROE

  • Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, chỉ số này càng cao càng tốt, các nhà đầu tư giá trị cho rằng ROE của một công ty tốt nên lớn hơn 15%. Lưu ý rằng không chỉ xem xét ROE của 4 quý gần nhất, nhà đầu tư cần tính toán và đánh giá ROE của công ty trong ít nhất 2 năm tài chính gần nhất.

 

Biên lợi nhuận hoạt động

  • Tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh so với doanh thu trong kỳ, tỷ lệ này càng cao càng tốt. Một công ty tốt thường có biên lợi nhuận hoạt động cao hơn mức trung bình của ngành.

 

Biên lợi nhuận thuần

  • Tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận sau thuế so với doanh thu trong kỳ, tỷ lệ này càng cao càng tốt. Một công ty tốt thường có biên lợi nhuận thuần cao hơn mức trung bình của ngành.

 

Ví dụ: Chỉ số ROE, lợi nhuận của Coca – cola và Pepsi

Chỉ tiêu (4 quý)

Coca - cola

Pepsi

ROE

46.8%

60.2%

Biên Lợi nhuận hoạt động

28.31%

17.33%

Biên lợi nhuận thuần

23.48%

13.82%

 

Nhận xét: Hiệu quả sử dụng vốn của Pepsi cao hơn, tuy nhiên biên lợi nhuận của Coca – cola’s lại tốt hơn.


Về khía cạnh tăng trưởng, một số chỉ số để đo lường như sau:

  • Tăng trưởng doanh thu, chỉ tiêu này ngày càng cao càng tốt. Các nhà đầu tư giá trị thường lọc ra những cổ phiếu có mức tăng trưởng doanh thu dương trong ít nhất hai năm liên tiếp.


  • Tăng trưởng EPS chỉ tiêu này càng cao càng tốt. Nhà đầu tư cần so sánh EPS của 4 quý gần nhất với EPS của 4 quý trước đó.


  • Ví dụ so sánh EPS trong giai đoạn Q3/2020 – Q2/2021 với giai đoạn Q3/2019 – Q2/2020), hoặc so sánh EPS của năm gần nhất với năm trước đó (Ví dụ so sánh EPS 2021 và EPS 2020) để tính ra các chỉ tiêu tăng trưởng EPS.


  • Nếu có thể, nhà đầu tư nên dự phóng EPS của năm hiện tại để so với EPS năm gần nhất để tính toán mức tăng trưởng EPS dự kiến. Thông thường, tăng trưởng EPS lơn hơn 10% là dấu hiệu của một công ty tốt.


  • Mặc dù tăng trưởng có ý nghĩa tích cực (càng cao càng tốt), tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nên thận trọng với các con số tăng trưởng quá lớn trong thời gian ngắn, nhà đầu tư cần tìm hiểu nguyên nhân phía sau sự tăng trưởng của doanh thu, lợi nhuận này, nếu nguyên nhân tăng trưởng không đến từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà đến từ các khoản thu nhập bất thường thì có thể các năm tiếp theo doanh nghiệp không duy trì được tốc độ tăng trưởng nói trên.

 

Đòn bẩy tài chính

  • Việc sử dụng đòn bẩy tài chính rất phổ biến trong nền kinh tế hiện đại, đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn và tăng khả năng tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, việc sử dụng nợ lớn tiềm ẩn những rủi ro khó lường, đặc biệt là trong những điều kiện thị trường bất lợi. Các nhà đầu tư giá trị thường tương đối cảnh giác với các doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao. Cụ thể, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản không nên cao hơn mức trung bình của ngành.

 

  • Ngoài hai khía cạnh định tính trên, một số khía cạnh của doanh nghiệp mà nhà đầu tư cũng có thể xem xét đến như khả năng thanh khoản, hiệu quả sử dụng vốn lưu động…Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là việc tính toán, đánh giá dựa trên các chỉ tiêu định lượng chính xác và có giá trị khi các báo cáo tài chính được lập một cách trung thực, hợp lý và không thiên lệch (Chất lượng BCTC cao). Ngoài ra, các chỉ tiêu định lượng chưa thể hiện được hết các tài sản “vô hình” mà doanh nghiệp sở hữu, ví dụ văn hóa doanh nghiệp, năng lực ban lãnh đạo, các ưu thế độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh…Trong các chỉ số tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số chỉ tiêu định lượng của một công ty tốt.

 

Mô hình kinh doanh

  • Các nhà đầu tư giá trị thường tìm kiếm những công ty có mô hình kinh doanh đơn giản, dễ hiểu. Như Warren Buffett đã từng nói “Đừng bao giờ đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh mà bạn không thể hiểu được”.


  • Trong tình huống của chúng ta, cả hai công ty Coca – cola và Pepsi đều có mô hình kinh doanh tương đối đơn giản, dễ hiểu: sản xuất và bán những loại nước giải khát phổ biến nhất trên thế giới. Như vậy chỉ cần mọi người vẫn ưa chuộng những nhãn hiệu nước giải khát này, các công ty vẫn sẽ có doanh thu và lợi nhuận.

 

Lợi thế cạnh tranh

Một công ty tốt cần có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ khác, điều này giúp duy trì, củng cố lợi thế để bảo vệ khả năng sinh lời dài hạn và thị phần của mình trước những đối thủ cạnh tranh. Ngày nay, thuật ngữ “con hào kinh tế” (Economic moat) được dùng để nói về những lợi thế này.


Nếu doanh nghiệp được xem như một pháo đài cần được phòng thủ, thì con hào bao quanh pháo đài là một trong những cách phòng thủ hiệu quả nhất, ngăn chặn kẻ thù (các đối thủ cạnh tranh) tấn công pháo đài.


Lợi thế cạnh tranh có thể được thể hiện ở các khía cạnh như:

  • Nhãn hàng và thương hiệu.


  • Lợi thế độc quyền, bản quyền.


  • Lợi thế về chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.


  • Lợi thế về chi phí chuyển đổi của khách hàng.


Hai công ty nước giải khát của chúng ta đều có những con hào kinh tế tương đối sâu và rộng, bao gồm: thương hiệu phổ biến, chi phí sản xuất / sản phẩm thấp (do sản xuất với quy mô lớn) và các công thức độc quyền, được cấp bằng sáng chế. Hiện tại, Coca – cola và Pepsi là hai đối thủ cạnh tranh chính của nhau, rất khó để một công ty nước giải khát nào khác có thể thách thức những gã khổng lồ này.

 

Chất lượng ban lãnh đạo

  • Warren Buffett đã từng nói “Điều quan trọng nhất là cố gắng tìm kiếm một doanh nghiệp (giống như 1 lâu đài) với 1 con hào (moats) bao quanh đủ rộng lớn và trường tồn theo thời gian và đồng thời lâu đài tuyệt vời này được bảo vệ bởi 1 vị vua giỏi giang và trung thực”


  • Để một doanh nghiệp phát triển ổn định lâu dài thì vai trò của con người mà cụ thể là đội ngũ lãnh đạo là không thể thay thế. Lãnh đạo tốt đòi hỏi phải có năng lực và đạo đức. Để đánh giá năng lực của ban lãnh đạo doanh nghiệp, có thể đơn giản như nhìn vào hiệu quả hoạt động của họ trong quá khứ, nhìn vào cách họ hành xử khi tiếp quản công ty so với những gì đang diễn ra trong ngành.


  • Về khía cạnh đạo đức thì khó đánh giá hơn, có thể xem xét thông qua hành vi, cách ứng xử của họ đối với nhân viên và cổ đông.


  • So sánh về lãnh đạo của 2 công ty nước giải khát Coca – cola và Pepsi là tương đối khó do không có nhiều thông tin về vấn đề này trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng. Hiện tại, giám đốc điều hành Coca – cola là ông James Quincey (sinh năm 1965), ông tham gia làm việc tại Coca – cola từ năm 1996, nhận chức vụ CEO từ năm 2016, đối thủ của ông tại Pepsi là bà Indra Nooyi (sinh năm 1955), bà gia nhập Pepsi từ năm 1994 và trở thành CEO từ 2006. Có thể thấy cả hai công ty đều lựa chọn những nhà lãnh đạo nhiều năm kinh nghiệm và có sự nghiệp gắn bó với công ty.

Note:

Quý độc giả của chúng tôi khi đọc đến đoạn này chắc hẳn bạn là một người nghiêm túc muốn học hỏi, tích lũy kiến thức để tham gia quá trình đầu tư sinh lời. Chúng tôi, phần nào đánh giá cao sự nghiêm túc, tìm tòi, học hỏi của các bạn.

Bài 47 của ACESTOCK (chúng tôi) phát hành đến đây là kết thúc, cùng đón chờ những kiến thức cơ bản khác nhưng lại vô cùng hữu ích trong quá trình đầu tư của bạn mà ở Bài 48 mà chúng tôi sẽ đăng tải trong thời gian ngắn nhất.

ACESTOCK#luôn#đồng#hành#cùng#bạn.

Post a Comment

0 Comments