Tổng Hợp Tất Cả Về Phân Tích Kỹ Thuật - Trong Đầu Tư Chứng Khoán

Tổng Hợp Tất Cả Về Phân Tích Kỹ Thuật - Trong Đầu Tư Chứng Khoán

Phân tích kỹ thuật là gì

Phân tích kỹ thuật là việc sử dụng nghiên cứu dữ liệu biến động của giá và khối lượng giao dịch trong quá khứ để đưa ra dự báo cho biến động giá cổ phiếu trong tương lai. Phân tích kỹ thuật dựa trên 2 giả định sau đây:

Giá phản ánh tất cả: Phân tích kỹ thuật giả định tất cả các thông tin đều được phản ánh vào giá.

Lịch sử luôn lặp lại: Các mô hình phân tích kỹ thuật phản ánh tâm lý nhà đầu tư do đó các mô hình đã được kiểm định trong quá khứ được giả định là sẽ tiếp tục đúng trong tương lai. Các mô hình từ thế kỷ trước vẫn đúng và vẫn được áp dụng trong thời điểm hiện tại. Lý do là thời đại thay đổi nhưng tâm lý con người vẫn không đổi.

 

Phân tích kỹ thuật không chỉ sử dụng để dự báo cổ phiếu mà có thể sử dụng với nhiều loại khác nhau khi có dữ liệu giá và khối lượng giao dịch như: giá hàng hóa, giá vàng, chỉ số thị trường…

Những người phân tích kỹ thuật thường sử dụng các lý thuyết / mô hình đã được nghiên cứu và chứng minh hiệu quả trong quá khứ, ví dụ như: mô hình 2 đỉnh, 2 đáy, mô hình đầu vai, lý thuyết Dow, lý thuyết hộp…Mỗi một mô hình / lý thuyết sẽ đưa ra các tín hiệu nhận biết và cách thức mua / bán.

 

Lợi ích và lưu ý khi sử dụng phân tích kỹ thuật

Xác định thời điểm và giá mua / bán hợp lý

Tránh được những trường hợp mua đúng đỉnh, bán đúng đáy.

 

Giúp nhà đầu tư sinh lời cao và nhanh

Rất nhiều nhà đầu tư sử dụng Phân tích kỹ thuật và đã có lợi nhuận từ vài chục đến hàng trăm phần trăm trong một khoảng thời gian ngắn.

 

Phân tích kỹ thuật dễ học, dễ áp dụng hơn Phân tích cơ bản

Giúp nhà đầu tư phân tích nhanh cổ phiếu chỉ dựa trên đồ thị giá và khối lượng, không mất nhiều thời gian nghiên cứu các yếu tố tài chính, thông tin doanh nghiệp.

 

Lưu ý khi sử dụng phân tích kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật không phải lúc nào cũng đúng

Ví dụ các mẫu hình đảo chiều (mô hình 2 đỉnh, vai đầu vai…) khi hình thành thì giá thường sẽ đảo chiều (giá đang trong xu hướng tăng sẽ đảo chiều giảm và ngược lại). Tuy nhiên không phải lúc nào giá cũng biến động đúng như dự báo của mẫu hình.

 

Mỗi cổ phiếu sẽ có biến động khác nhau với một mô hình

Cổ phiếu cũng như con người nên sẽ có “tính cách” khác nhau, ví dụ với cổ phiếu “nóng” như Ros, Flc, Klf, Art, Hai, Fit…thường sẽ biến động rất nhanh nhưng các cổ phiếu cơ bản như VIC, VHM, VNM, HPG, VPB sẽ có biến động từ từ và chắc chắn hơn.

 

Ngưỡng hỗ trợ, kháng cự

Giá chứng khoán biến động hàng ngày theo cung cầu trên thị trường. Khi cầu lớn hơn cung thì xu hướng tăng và khi cầu nhỏ hơn cung thì giá có xu hướng giảm.


Ngưỡng hỗ trợ

Là mức giá mà bên mua tăng cường mua (cầu > cung) khiến giá không thể giảm sâu hơn hoặc bật tăng trở lại.

 

Ngưỡng kháng cự

Là mức giá bên bán tăng cường bán (cung > cầu), khiến giá thị trường không thể tăng cao hơn hoặc quay đầu giảm.

 

Có thể giải thích là tại ngưỡng hỗ trợ hầu hết nhà đầu tư tin rằng định giá cổ phiếu đã rẻ và giá sẽ tăng cao hơn, còn ngưỡng kháng cự là mức giá mà nhà đầu tư tin rằng giá đã cao hơn giá trị của công ty và sẽ quay đầu giảm.

 

Tuy nhiên, kỳ vọng của nhà đầu tư thay đổi theo thời gian. Khi công ty công bố thông tin kết quả kinh doanh tốt hay tiềm năng tăng trưởng tốt thì nhà đầu tư sẵn sàng mua với mức giá cao hơn Ngưỡng kháng cự trước đây. Khối lượng giao dịch lúc này thường tăng cao. Giá sau khi vượt được ngưỡng kháng cự thường có xu hướng tăng mạnh do nhiều đầu tư sẵn sàng mua với mức giá cao hơn và những nhà đầu tư từng bán ra cổ phiếu cũng bắt đầu kỳ vọng giá tiếp tục tăng và có thể mua lại.

 

Ngược lại khi có thông tin kém tích cực thấp hơn kỳ vọng của nhà đầu tư thì giá có thể phá vỡ ngưỡng hỗ trợ và tiếp tục giảm sâu hơn.

 

Đường và kênh xu hướng

Đường xu hướng (Trendline)

Ai dùng phân tích kỹ thuật thì phải hiểu được. Xu hướng là gì, cách xác định được đường xu hướng tăng hay giảm giá, phải hiểu được ý nghĩa và hiểu được cách vẽ đường xu hướng, như vậy bạn mới có thể bước vào thị trường chứng khoán.

 

Đường xu hướng

Đường xu hướng hay trendline thể hiện chiều hướng cũng như cách thức dịch chuyển của thị trường, là công cụ được sử dụng phổ biến nhất trong phân tích kỹ thuật. Nhà phân tích kỹ thuật cần xác định được xu hướng của thị trường để đưa ra chiến lược đầu tư phù hợp.

 

Các trạng thái của thị trường

Uptrend

Thị trường có xu hướng tăng giá. Là tập hợp một dãy các đỉnh và đáy theo chiều tăng lên, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước và đáy sau cao hơn đáy trước. Là thời điểm lên mua vào và chờ giá lên tiếp.

 

Downtrend

Thị trường có xu hướng giảm giá, cho thấy các đỉnh và đáy theo chiều đi xuống, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước. Là thời điểm nên bán ra hoặc tạo vị thế bán (trong thị trường phái sinh) với quan điểm sẽ mua lại ở giá thấp hơn.

 

Sideway

Là thời kỳ xu hướng đi ngang, giá sẽ biến động trong một khoảng xác định, nhà đầu tư dựa vào phân tích kỹ thuật không nên tham gia vào thị trường lúc này, do thị trường vẫn chưa xác định được xu hướng tăng hay giảm.

 

Vẽ đường xu hướng thế nào cho đúng?

Bạn cần tìm ít nhất 2 đỉnh chính hoặc 2 đáy chính để nối lại với nhau thành 1 đường thẳng.

 

Không bao giờ vẽ xu hướng theo kiểu điều chỉnh nó cho vừa, vì đơn giản bạn vẽ đường xu hướng không phù hợp với thị trường thì nó sẽ bị sai, mất đi ý nghĩa và làm cho bạn phán đoán sai diễn biến của thị trường.

 

Xu hướng
Phân Tích Kỹ Thuật

Các tính chất của đường xu hướng

Càng nhiều điểm vẽ xác định thì đường trendline càng có ý nghĩa.

 

Càng tồn tại lâu thì đường trendline càng có hiệu lực

 

Càng có độ dốc càng lớn, đường xu hướng càng dễ bị phá vỡ. Ngược lại nếu độ dốc quá ít hay quá xa với biến động giá thì ít có ý nghĩa. Trường hợp này, ta nên vẽ lại đường xu hướng để tăng tính hiệu quả.

 

Khi đường xu hướng bị phá vỡ, các ngưỡng kháng cự và ngưỡng hỗ trợ sẽ đổi vai trò cho nhau. Ngưỡng kháng cự sẽ trở thành hỗ trợ và ngưỡng hỗ trợ sẽ trở thành kháng cự.

 

Những dấu hiệu khi một xu hướng bị phá vỡ

Giá đóng cửa dưới đường xu hướng có ý nghĩa hơn một sự phá vỡ đường xu hướng trong ngày.

 

Sử dụng điều kiện 3% tức là dưới mức 3% so với mức giá đường xu hướng xác lập.

 

Quy luật 2 ngày: Đề phòng tín hiệu giả rằng đường xu hướng bị phá vỡ, nếu giá ngày 2 vẫn không về đường xu hướng, coi như xu hướng bị phá vỡ.

 

Giá mục tiêu khi phá vỡ xu hướng: giá của xu hướng mới sẽ di chuyển một đoạn đúng bằng khoảng cách đạt được xu hướng cũ.

 

Kênh xu hướng (Channel Line)

Được tạo thành từ một đường xu hướng và một đường thẳng song song với nó vẽ từ một đỉnh (trường hợp tăng giá) hay từ một đáy (trường hợp giảm giá). Đây là một thước đo không chính thức cho biết xu hướng có thể tiến xa đến mức nào tại điểm dịch chuyển cao nhất (hoặc thấp nhất) của nó.

 

Tương tự như đường xu hướng, kênh xu hướng được chia thành kênh tăng giá (up channel), kênh giảm giá (down channel) và kênh đi ngang (sideways channel).

 

Khối lượng – chỉ báo rất quan trọng nhưng nhà đầu tư hay bỏ qua.

Khối lượng là một yếu tố rất quan trọng trong phân tích kỹ thuật, tuy nhiên nhà đầu tư thường không quan tâm nhiều đến khối lượng mà chỉ tập trung vào giá. Đây là một sai lầm lớn mà rất nhiều nhà đầu tư mới đều gặp phải, họ mua bán theo giá nhưng không biết rằng các tín hiệu đấy cần có sự support từ khối lượng.

 

“Nhà đầu tư nghiệp dư quan tâm đến giá, còn nhà đâu tư chuyên nghiệp quan tâm đến khối lượng”. Do đó, nếu nhà đầu tư muốn thực sự hiểu về đầu tư, về phân tích kỹ thuật thì cần phải nghiên cứu kỹ khối lượng. Sự gia tăng hay suy giảm trong khối lượng mang ý nghĩa xác nhận hoặc cảnh báo sự đảo chiều xu hướng.

 

Xu hướng tăng

Một xu hướng tăng bền vững là (1) khi giá tăng, khối lượng tăng theo hoặc tiếp tục duy trì. (2) khi giá điều chỉnh giảm thì khối lượng cũng điều chỉnh giảm theo cho thấy lực bán không nhiều.

 

Cảnh báo kết thúc xu hướng tăng

Sau một giai đoạn tăng, giá tiếp tục tăng nhưng khối lượng không tăng theo, thậm chí giảm dần cho thấy xu hướng tăng này yếu và có thể đảo chiều giảm. Điều này có thể giải thích là khi giá đã cao, nhà đầu tư không muốn mua vào. Lúc này nếu có một lực bán ra mạnh thì lực cầu sẽ không hấp thụ được và giá sẽ giảm.

 

Xu hướng giảm

Một xu hướng giảm bền vững là (1) khi giá giảm, khối lượng tăng theo hoặc tiếp tục duy trì khi giá hồi phục tăng thì khối lượng giảm.

 

Cảnh báo kết thúc xu hướng giảm

Sau một giai đoạn giảm, giá tiếp tục giảm nhưng khối lượng không tăng theo, thậm chí giảm dần cho thấy xu hướng giảm này yếu, cho thấy nhà đầu tư không muốn bán ra ở mức giá này.

 

Đường trung bình giá – MA

Đường trung bình động (Moving average – MA) đơn giản là làm mượt giá theo thời gian. Trung bình động tại một thời điểm là giá trị trung bình của giá trong một giai đoạn tính đến thời điểm đó. Đường trung bình động là kim chỉ nam xác định xu thế đi lên hay đi xuống của giá giúp nhà đầu tư.

 

Ở đây có hai yếu tố cần phải hiểu là trung bình và động

Trung bình có nghĩa rằng, một điểm trên đường MA là một mức giá trung bình của chứng khoán tại một thời điểm cụ thể như sau:

Một điểm trên đường MA = Tổng các mức giá của chứng khoán trong n khoảng thời gian gần nhất / n.

 

Ví dụ, lấy các mức giá của chứng khoán trong 25 ngày gần nhất và chia cho 25 ta sẽ có kết quả là giá trung bình của chứng khoán trong 25 ngày qua. Đây chính là một MA 25 ngày của chứng khoán đó. Nhiều mức giá trung bình đó tạo thành một dãy liên tục gọi là đường MA.

 

Động được hiểu là do n mức giá chứng khoán luôn biến đổi nên các mức giá trung bình cũng biến đổi theo làm cho đường trung bình luôn di chuyển (hay còn gọi là di động) theo các mức giá.

 

Ý nghĩa của đường trung bình động Moving Averages (MA)

Vì đường trung bình MA là giá trung bình của chứng khoán n ngày (ví dụ 30 ngày) qua nên nó đại diện cho sự đồng thuận của các nhà đầu tư mong đợi trong 30 ngày gần nhất. Do đó, nếu giá chứng khoán là trên đường trung bình MA của nó có ý nghĩa là kỳ vọng hiện tại của các nhà đầu tư (tức mức giá hiện tại) cao hơn so với kỳ vọng trung bình của họ trong 30 ngày qua, và các nhà đầu tư đang trở nên lạc quan hơn về giá chứng khoán dẫn đến khả năng giá chứng khoán sẽ tăng.

 

Ngược lại, nếu giá ngày hôm nay là dưới điểm trung bình động của nó cho thấy rằng kỳ vọng hiện tại của các nhà đầu tư là dưới mức mong đợi trung bình của họ trong vòng 30 ngày qua, và điều đó có nghĩa là họ đang bi quan hơn về giá chứng khoán dẫn đến khả năng giá chứng khoán sẽ giảm.

 

Các đường trung bình động thường được sử dụng là:

  1. Ngắn hạn: MA (9), MA (20)
  2. Trung hạn: MA (30), MA (50)
  3. Dài hạn: MA (100), MA (200)

 

Cách sử dụng đường trung bình động

Nhà đầu tư nhìn vào độ dốc của đường trung bình MA để xác định xu hướng giá.

 

Dựa vào giá và đường trung bình động

Nhà đầu tư cần xác định thời gian đầu tư để sử đụng đúng đường MA, đầu tư ngắn hạn thì sử dụng MA (9) / MA (20) nhưng nếu dài hạn thì sử dụng MA (100) / MA (200).

Xu hướng giảm: đường trung bình có độ dốc xuống và đường giá hiện tại đang ở dưới đường trung bình.

 

Xu hướng tăng: đường trung bình có độ dốc lên và đường giá hiện tại đang ở trên đường trung bình.

 

Không rõ xu hướng: giá biến động liên tục quanh đường trung bình động.

 

Dựa vào 2 đường trung bình – một đường trung bình ngắn hạn và một đường trung bình dài hạn (Ví dụ đường trung bình 9 ngày và 30 ngày). Các cặp MA thường sử dụng là MA (9) và MA(30), MA (20) và MA (50), và MA (200). Nhà đầu tư sử dụng linh hoạt tùy vào thời gian đầu tư.

 

Tín hiệu mua: đường trung bình 9 ngày cắt đường trung bình 30 ngày từ dưới lên.

 

Tín hiệu bán: đường trung bình 9 ngày cắt đường trung bình 30 ngày từ trên xuống.

 

Bollinger Band

Được John Bollinger phát triển, Bollivbnger bands là một công cụ kết hợp giữa đường trung bình động MA và độ lệch chuẩn. Giữa dải trên và dải dưới của Bollinger bands là phạm vi hoạt động của đường giá, khi đường giá di chuyển ra khỏi đường bollinger bands thường sẽ có xu hướng quay trở lại.

 

Công cụ này bao gồm 3 đường được thiết kế để bao quanh phần lớn hoạt động của giá một cổ phiếu.

  1. Dải giữa: trung bình giá
  2. Dải trên: đường trung bình giá + 2 độ lệch chuẩn giữa giá và đường trung bình.
  3. Dải dưới: đường trung bình giá -2 độ lệch chuẩn giữa giá và đường trung bình.

 

Độ lệch chuẩn là một phép đo toán học của việc các con số trong một nhóm lệch bao nhiêu so với mức trung bình của nhóm số đó, và các con số ở đây chính là giá cả. Sử dụng độ lệch chuẩn đảm bảo các đường bollinger bands sẽ đáp ứng nhanh với các biến động giá và phản hồi độ bất ổn định cao hay thấp. Giá tăng hoặc giảm đột ngột sẽ tạo thành dãy băng rộng.

 

Sử dụng

Bollinger bands được sử dụng hiệu quả nhất khi đường giá chạm hoặc vượt qua đường bollinger bands ra ngoài. Hai đường này luôn luôn điều chỉnh theo biến động giá hiện tại, do đó khi đường bollinger bands tiếp xúc với đường giá thường phản ánh những thay đổi đáng kể trong hoạt động giá cơ bản.

 

Nếu giá vượt qua dải bollinger bands và tiếp tục nằm ngoài giải thì xu thế tăng hoặc giảm giá hiện tại sẽ tiếp tục. Nếu giá vượt ra ngoài dải bollinger rồi quay trở lại nằm trong dải thì tín hiệu này cảnh báo sự chấm dứt xu hướng hiện tại.

 

Tín hiệu mua

Tín hiệu mua được hình thành khi đường giá xuống và chạm dải Bollinger dưới rồi quay trở lại trong dải

Tín hiệu bán

Tín hiệu bán được hình thành khi đường giá lên và chạm dải Bollinger trên rồi quay trở lại trong dải.

 

Bạn có thể sử dụng Bollinger bands với các công cụ phân tích kỹ thuật khác để xác nhận hoặc bác bỏ các dấu hiệu của nó. Bollinger bands có thể giúp xác định nhiều mô hình đảo chiều của giá, thông thường giá không có khả năng thâm nhập đường bollinger bands vào lần test thứ hai (hai đỉnh hoặc hai đáy) hay test lần thứ ba (vai đầu vai).

 

Kết luận

Mặc dù đường Bollinger có thể giúp tạo các tín hiệu mua và bán, nhưng đường bollinger không được thiết kế để xác định xu hướng trong tương lai. Đường Bolinger được thiết kế để bổ sung cho việc phân tích kỹ thuật và các công cụ khác. Bản thân đường Bollinger đáp ứng 02 chức năng chính:

Xác định các khoảng thời gian độ biến động cao hoặc thấp
Xác định các khoảng thời gian giá đang ở mức kháng cự hay hỗ trợ

Như đã đề cập ở trên giá, giá cổ phiếu có thể chuyển đổi qua lại giữa biến động mạnh và biến động thấp. Đường Bollinger có thể xác định khoảng thời gian biến động ít do đó có thể đáp ứng vai trò một công cụ cảnh báo động thái của cổ phiếu. Trong phân tích kỹ thuật, kết hợp cùng các công cụ khác, đường bollinger có thể giúp xác định chiều của một biến động mạnh.


Note:

Quý độc giả của chúng tôi khi đọc đến đoạn này chắc hẳn bạn là một người nghiêm túc muốn học hỏi, tích lũy kiến thức để tham gia quá trình đầu tư sinh lời. Chúng tôi, phần nào đánh giá cao sự nghiêm túc, tìm tòi, học hỏi của các bạn.

 

Bài 80 của ACESTOCK (chúng tôi) phát hành đến đây là kết thúc, cùng đón chờ những kiến thức cơ bản khác nhưng lại vô cùng hữu ích trong quá trình đầu tư của bạn mà ở Bài 81 mà chúng tôi sẽ đăng tải trong thời gian ngắn nhất.

ACESTOCK#luôn#đồng#hành#cùng#bạn.

Post a Comment

0 Comments